1. Hoàn cảnh lịch sử hình thành – Bắt đầu nhiệm kỳ I của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình.
* Hoàn cảnh lịch sử hình thành: Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình ra đời gắn liền với sự ra đời và phát triển của đội ngũ luật sư Việt Nam, là kết quả thực thi Hiến pháp 1980 và Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987.
Điều 133 Hiến pháp năm 1980 quy định: ‘Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Quy định này của Hiến pháp năm 1980 là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng một văn bản pháp luật về tổ chức luật sư ở Việt Nam.
Ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức luật sư. Pháp lệnh cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chế định luật sư, tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam nói chung, luật sư trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng. Đây là Pháp lệnh đầu tiên quy định về tổ chức, hành nghề luật sư ở Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Sau khi Pháp lệnh Tổ chức luật sư được ban hành, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố Trung ương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn điều kiện và giới thiệu người có đủ tiêu chuẩn gia nhập Đoàn Luật sư, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ thành lập Đoàn Luật sư. Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Tổ chức luật sư , Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định cho phép thành lập Đoàn Luật sư.
Với tinh thành chung đó, ngày 09/6/1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-UB thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình – bắt đầu Nhiệm kỳ đầu tiên (Nhiệm kỳ I của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình).
Khi thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình có 07 thành viên (luật sư) đều xuất thân là cán bộ, công chức và cán bộ nghỉ hưu đã hoạt động trong nghành Tư pháp, đó là các luật sư: Nguyễn Quang Huy, Trần Ngọc Ấp, Lê Đình Đãng, Phạm Thế Truyền, Tạ Xuân Hiệp, Tống Sỹ Cảnh và Đỗ Đình An.
* Về cơ cấu tổ chức: Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ I gồm có:
+ Ban Chủ nhiệm lâm thời gồm 02 thành viên, Luật sư Nguyễn Quang Huy ( Chủ nhiệm), Luật sư Trần Ngọc Ấp ( Phó Chủ nhiệm);
+ Ban kiểm tra: có 03 luật sư, gồm luật sư: Phạm Thế Truyền, Lê Đình Đăng, Tống Sỹ Cảnh.
Các luật sư đều có tuổi, vừa phải đảm nhận công việc chuyên môn, vừa phải khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Nhưng với quyết tâm xây dựng Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình sánh ngang với các Đoàn Luật sư lớn trên cả nước, dẫn đầu các Đoàn Luật sư khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, các thế hệ luật sư đầu tiên đã nỗ lực không ngừng xây dựng nền móng vững chắc để Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình phát triển và trưởng thành như ngày hôm nay.
2. Quá trình xây dựng và phát triển
* Nhiệm kỳ II (từ 1994 đến 1997)
Từ 07 thành viên khi bắt đầu được thành lập, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình gần như vẫn không có sự biến động đột biến về số lượng luật sư. Số lượng luật sư trong nhiệm kỳ tăng không đáng kể, chỉ có 10 luật sư chính thức và 02 luật sư tập sự.
Về cơ cấu tổ chức và thành phần - thành viên Ban Chủ nhiệm, Ban kiểm tra của Đoàn cũng không có sự thay đổi.
* Nhiệm kỳ III ( từ 1997-10.2000)
Về cơ cấu tổ chức có sự phát triển: Ban Chủ nhiệm đã tăng số lượng từ 02 thành viên lên số lượng là 3 thành viên.
Luật sư Nguyễn Quang Huy vẫn làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình. Số lượng Phó Chủ nhiệm Đoàn được bổ sung thêm 01 Phó Chủ nhiệm - luật sư Nguyễn Ngọc Điện.
Số lượng luật sư chính thức cũng đã tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn: chỉ ở con số 16 luật sư chính thức và luật sư tập sự là 03 luật sư.
* Nhiệm kỳ IV ( từ 10.2000-7.2002)
Đây là thời kỳ phát triển của Đoàn Luật sư gắn liền với sự thay đổi của Pháp lệnh Tổ chức luật sư (năm 1987) bằng Pháp lệnh về luật sư 2001.
Đây cũng là thời kỳ khởi sắc, phát triển về số lượng luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình. Chưa đầy 02 năm, số lượng luật sư đã tăng lên 31 luật sư.
Về cơ cấu tổ chức: có sự thay đổi thành viên Ban Chủ nhiệm. Chủ nhiệm Đoàn thời kỳ này Luật sư Nguyễn Ngọc Điện. 02 Phó Chủ nhiệm là luật sư Đỗ Đình An và luật sư Nguyễn Quang Huy.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn pháp luật của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; Để phát triển và củng cố đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò của luật sư và tổ chức luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức luật sư và hành nghề luật sư, căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001, Ủy Ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001 về Luật sư.
Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội Luật sư ra đời (thay thế Pháp lệnh Tổ chức luật sư số 2A:CT/HĐNN8 ngày 18 tháng 12 năm 1987 của Hội đồng Nhà nước) quy định về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư. Pháp lệnh về Luật sư đã đưa chế định luật sư của nước ta xích lại gần hơn với thông lệ quốc tế và cũng là lần đầu tiên pháp luật nước ta phân định rõ Tổ chức hành nghề luật sư với Đoàn Luật sư, theo hướng vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với Tổ chức hành nghề luật sư, vừa phát huy tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của Đoàn Luật sư.
* Nhiệm kỳ V ( từ 7.2002-2005)
Pháp lệnh về Luật sư năm 2001 quy định về điều kiện hành nghề luật sư (Điều 7): “Người muốn được hành nghề phải gia nhập một Đoàn Luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư”. Về điều kiện để một người được tham gia Đoàn Luật sư thì người đó không phải là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Quy định này có hiệu lực thì cũng chính là lúc các luật sư trong Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đang là cán bộ, công chức phải chia tay với nghề luật sư. Khi ấy Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình có 8 luật sư đang là Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, trường Chính trị tỉnh Thái Bình và các ban, ngành trong tỉnh không được tham gia hành nghề luật sư nữa theo quy định của Pháp lệnh Luật sư 2001.
Sau 5 năm thi hành Pháp lệnh Luật sư 2001 đã góp phần tăng nhanh số lượng luật sư trong toàn quốc nói chung và Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nói riêng. Số lượng luật sư của Đoàn khi ấy là 38 người.
Đã có 05 Tổ chức hành nghề luật sư tiến hành đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình. Về chuyên môn hoạt động hoàn toàn độc lập với Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình.
* Nhiệm kỳ VI ( 2005-2008) - Gắn liền với sự ra đời của Luật Luật sư năm 2006 và Luật Luật sư sửa đổi năm 2012
Trước yêu cầu của tỉnh hình mới, đặc biệt là quyết tâm, yêu cầu sớm gia nhập WTO, tháng 6 năm 2006, Luật Luật sư được ban hành. Đến nay chúng ta đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Luật sư năm 2012.
Từ con số 7 Luật sư ngày đầu thành lập, tính đến cuối nhiệm kỳ VI số Luật sư của Đoàn là 45; có 8 Tổ chức hành nghề luật sư. Các luật sư của Đoàn đa dạng từ các nguồn nhưng chủ yếu vẫn là các luật sư được đào tạo nghề luật sư một cách bải bản từ Học viện Tư pháp. Các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình hành nghề trên các lĩnh vực, trải dài từ Bắc vào Nam; không chỉ vững vàng ở các thành phố lớn mà còn cả ở nơi trùng điệp núi non. Ở đâu và trong hoàn cảnh nào thì các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình cũng giữ được phẩm chất chính trị, trung thành với Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể tại địa phương quý trọng. Thậm chí Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã nhiều lần bằng văn bản và trực tiếp đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình cử giúp cho 3 luật sư của Đoàn lên Lai Châu giúp đỡ để thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu, tỉnh sẽ chi trả lương ban đầu. Để giúp đỡ tỉnh bạn Lai Châu, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã vận động luật sư Phạm Công Tuyến tình nguyện lên giúp Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu để thành lập ra Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu.
* Nhiệm kỳ VII (2008 - 2013)
Kế thừa thành quả từ nhiệm kỳ VI, nhiệm kỳ VII, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình tiếp tục có sự phát triển cả về số lượng và các tổ chức hành nghề luật sư. Về số lượng luật sư trong nhiệm kỳ VII có 56 luật sư và có 11 Tổ chức hành nghề luật sư.
Công tác hoạt động quản lý của các tổ chức hành nghề luật sư dần đi vào nền nếp, được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp.
Có 05 Tổ chức hành nghề luật sư hoạt động thường xuyên trong tỉnh là: VPLS Phạm Hữu Lâm và Cộng sự, VPLS Thái Bình, VPLS Vũ Văn Đảng, VPLS Ngọc Sơn và VPLS Thành Hưng.
Còn lại các Tổ chức hành nghệ luật sư hoạt động tại các tỉnh ngoài (thông qua việc mở Chi nhánh hoặc Văn phòng giao dịch/điểm giao dịch ở tỉnh ngoài) là: VPLS Bắc Hà (Có 02 chi nhánh hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lai Châu), VPLS Miền Bắc, VPLS Tôn Nữ Thu Hà và Cộng sự, VPLS Phạm Quốc Hiệp, Công ty Luật BICLAW, VPLS Dân Chính.
Đội ngũ luật sư của Đoàn đã tích lũy kinh nghiệm, được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên nên trình độ chuyên môn được nâng lên, tính chuyên nghiệp cao nên đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng không những trên địa bàn tỉnh Thái Bình mà còn đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngoài tỉnh. Đây chính là sự phát triển có ý nghĩa rất to lớn đối với Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình. Ngày 06/01/2012, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã vinh dự là một trong 7 Đoàn Luật sư của cả nước được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen theo Quyết định số 35/QĐ-BTP vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động hành nghề luật sư giai đoạn 2006-2011. Mặc dù, thành tích tuy chưa nhiều, chưa thể sánh với các cơ quan khác nhưng kết quả đó là những trái cây được vun tưới bằng tâm huyết, tình cảm và ý chí vươn lên của các luật sư trong Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình. Trong sự thành công đó của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình, chúng ta không thể quên công lao đóng góp của cố luật sư Nguyễn Ngọc Điện – là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình trong nhiệm kỳ này - người đã cống hiến cho đến giây phút cuối cùng vì sự phát triển của giới luật sư Việt Nam nói chung và Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nói riêng; người Chủ nhiệm đã góp phần nâng cao vị thế của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình sánh vai với các Đoàn Luật sư lớn trên cả nước.
* Nhiệm kỳ VIII ( 2013-2019)
Nhiệm kỳ VIII (2013-2019) của Đoàn Luật sư Thái Bình là nhiệm kỳ có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Luật sư và nghề Luật sư đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, công dân, các tổ chức kinh tế, xã hội. Qua đó các cơ quan, tổ chức và người dân đã ghi nhận và đánh giá cao về vị trí, vai trò của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình.
Số lượng luật sư của Đoàn tiếp tục tăng lên. Số lượng luật sư chính thức của Đoàn trong nhiệm kỳ này là 78 luật sư. Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã thành lập 18 Văn phòng luật sư và 01 Công ty Luật.
Đây là nhiệm kỳ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng củng cố toàn diện về tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
* Nhiệm kỳ IX (2019-2024)
Đại hội nhiệm kỳ IX (2019-2024) đã xác định việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy để đưa hoạt động của Đoàn đi vào nền nếp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm tạo cơ sở và điều kiện để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Đoàn. Đồng thời với việc xây dựng, kiện toàn bộ máy hoạt động, việc xây dựng các quy chế, quy định điều chỉnh các quan hệ nội bộ trong tổ chức và hoạt động của Đoàn cũng được thực hiện.
Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình có 20 Tổ chức hành nghề luật sư, 85 luật sư chính thức và 21 người tập sự hành nghề luật sư.
- Trong nhiệm kỳ, hoạt động của các luật sư Thái Bình đã đóng góp tích cực cho hoạt động cải cách tư pháp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tổng số vụ việc các luật sư Thái Bình đã thực hiện trong nhiệm kỳ qua là 4203 vụ việc, trong đó số vụ việc tố tụng là 514 vụ (Án chỉ định là 218 vụ), số việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác là 3123 việc, số việc trợ giúp pháp lý là 566 vụ việc. Không chỉ tham gia tranh tụng để bảo vệ cho các khách hàng trong các vụ án được các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình thụ lý, giải quyết mà các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình còn tham gia tranh tụng bảo vệ thành công trong quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong các vụ án diễn ra trên các của các tỉnh, thành khác trên khắp toàn quốc, được dư luận đánh giá cao.
* Nhiệm kỳ X – Gắn liền với sự phát triển và chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội Việt Nam; gắn với công cuộc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, nhân sự trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Trải qua 35 năm với 9 nhiệm kỳ, đến nay (bắt đầu nhiệm kỳ X) Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã có 91 luật sư chính thức, 22 người tập sự hành nghề luật sư và 21 Tổ chức hành nghề luật sư.
Về trình độ chuyên môn: Các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm phong phú. Hiện nay, Đoàn Luật sư Thái Bình có 03 luật sư có học vị tiến sỹ, 15 luật sư có trình độ Thạc sĩ, các luật sư còn lại đều có trình độ Cử nhân luật. Nhiều luật sư xuất phát từ các cán bộ đã làm việc và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Toà án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; 05 Luật sư có khả năng giao tiếp thông thạo bằng tiếng Anh.
Dưới sự lãnh đạo của luật sư Phạm Hữu Lâm - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ X, chỉ với một thời gian rất ngắn ( từ tháng 11/2024 đến tháng 6/2025) Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ X ( 2024-2029) đã có nhiều hoạt động khởi sắc, được các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các luật sư trong Đoàn đánh giá cao về vai trò lãnh đạo của Ban Chủ nhiệm Đoàn.
- Bước vào những ngày đầu đầu tiên của Nhiệm kỳ mới, tháng 11/2024, Nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đặt lên hàng đầu là công tác Tuyên truyền pháp luật và Trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân.
Nhân kỷ niệm ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) và ngày Truyền thống luật sư Việt Nam ( 10/10) Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã tổ chức các điểm tư vấn miễn phí cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh và ngay tại trụ sở của Đoàn. Đoàn Luật sư đã kết hợp với Phòng Tư pháp các huyện trong tỉnh xuống các xã Đông Tân ( huyện Đông Hưng), xã Hồng Lý, xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư), xã Thuỵ Phong ( huyện Thái Thuỵ), xã Hoà Bình ( huyện Kiến Xương) tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí kết hợp tặng quà từ thiện cho các hộ nghèo (Đoàn đã trao tặng 45 suất quà, mỗi suất trị giá 750.000 đồng). Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình trao quà từ thiện đến người dân (nhưng không sử dụng quỹ của Đoàn) Việc làm này của Đoàn Luật sư đã được các cơ quan, tổ chức và cá nhân đánh giá rất cao, tạo niềm tin cho người dân về ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như tinh thần tương thân tương ái của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người dân vươn lên trong cuộc sống.
- Tháng 12/ 2024 Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đã tiến hành sửa chữa lại trụ sở của Đoàn, để trụ sở và phòng họp của Đoàn được khang trang, rộng rãi và đẹp đẽ hơn.
- Tháng 01/2025 Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình cho ra mắt bài hát “ Mặt trời công lý” làm bài hát truyền thống của luật sư Thái Bình ( Không sử dụng quỹ của Đoàn).
- Tháng 3/2025 trang Website của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã được xây dựng xong và chính thức đi vào hoạt động, là trang thông tin điện tử chính thức của Đoàn.
- Tháng 5/2025 Hoàn thành cuốn Kỷ yếu “ Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình - 35 năm xây dựng và trưởng thành”.
- Tháng 6/2025 tổ chức Lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình.
Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng với sự quyết tâm của Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng kỷ luật, sự đồng lòng ủng hộ của các Tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ X ( 2024-2029) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư nhằm đưa Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình ngày càng phát triển, bắt kịp với xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. .
3. Kết quả đạt được trong hành trình 35 năm qua
Đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở Thái Bình phát triển được như ngày hôm nay trước tiên là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình. Đồng thời là sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện không ngừng của cả đội ngũ luật sư, sự đóng góp tích cực của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình qua các nhiệm kỳ trong suốt 35 năm qua.
Trong 3 nhiệm kỳ đã qua của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ngoài Chủ nhiệm là Uỷ viên của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình vinh dự có thêm các luật sư là uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc: Luật sư Nguyễn Trúc Hiền (nhiệm kỳ I và II), luật sư Nguyễn Thị Hương Lan ( nhiệm kỳ III).
Phát triển đội ngũ luật sư
Trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị đã nêu rõ: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của luật sư đối với các tổ chức thành viên của mình”.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, Đoàn Luật sư thường xuyên tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, có các biện pháp hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có đủ điều kiện và có nguyện vọng gia nhập Đoàn.
Hiện nay Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình có 22 người tập sự hành nghề luật sư. Tập sự hành nghề luật sư là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị hành trang cho một người chính thức gánh vác trọng trách của luật sư, vì thế đây là thời gian rất quan trọng cho người tập sự được thực hành để trang bị đầy đủ tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn mực ứng xử. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Đoàn Luật sư đề ra. Vì đây là nguồn lực chính để Đoàn Luật sư phát triển số lượng luật sư đủ về số lượng và đạt về chất lượng.
Về chất lượng đội ngũ luật sư.
Theo như Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, thì phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn là những nội dung cốt lõi tạo nên chất lượng của đội ngũ luật sư. Thực hiện định hướng chiến lược của Đảng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của tổ chức luật sư và các luật sư, trong những năm qua, chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được nâng cao. Đa số các luật sư đều có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư của Đoàn Luật sư Thái Bình, bên cạnh việc khuyến khích các luật sư tự nâng cao trình độ Đoàn còn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề, cử luật sư tham gia các buổi họp, hội thảo do các cơ quan khác tổ chức, tập huấn cho các luật sư về bài học kinh nghiệm qua các vụ án có luật sư Thái Bình tham gia. Tham gia đóng góp ý kiến vào các Dự thảo Luật của Trung ương và của tỉnh.
Hoạt động hành nghề luật sư
Trong những năm qua, hoạt động của các luật sư Thái Bình đã đóng góp tích cực cho hoạt động cải cách tư pháp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Không những tham gia vào các vụ án phạm vi trong tỉnh, các luật sư Thái Bình còn tham gia tranh tụng thành công các vụ án của các tỉnh, thành khác, được dư luận đánh giá cao.
Cùng với việc tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư cũng được nâng cao đáng kể, các luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của khách hàng trong tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế. Thực hiện chủ trương coi trọng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nhiều luật sư đã không ngần ngại và chủ động tranh luận với Kiểm sát viên tại phiên tòa nhằm tìm ra sự thật khách quan, áp dụng đúng đắn pháp luật, khắc phục những oan sai, đem lại sự công bằng cho khách hàng, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian qua. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa cho bị can, bị cáo và các đương sự, mà còn giúp các cơ quan tố tụng phát hiện làm rõ sự thật, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN, thông qua hoạt động bào chữa tranh tụng tại phiên toà, luật sư đã góp phần làm giảm thiểu các vụ án oan sai, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN.
Những kết quả đạt được không chỉ dừng lại ở các bản án được Tòa chấp nhận lý lẽ tranh luận của luật sư tại Tòa, tuyên án vô tội, hoặc thay đổi tội danh giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từ việc tranh tụng của các luật sư Thái Bình. Theo thông tin của Tòa án từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước có luật sư Thái Bình tham gia: Các luật sư Thái Bình đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp cả về phong cách tranh tụng và trình độ tranh tụng, nhất là những vụ án quan trọng được dư luận quan tâm như: Vụ án Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng bọn, Vụ án đổ tàu ở Lăng Cô - Thừa Thiên Huế, vụ đất đai ở Đồ Sơn - Hải Phòng đều có các luật sư Thái Bình tham gia và được dư luận đánh giá cao. Đoàn Luật sư Thái Bình đã tham gia 03 vụ trong tổng số 8 vụ án tham nhũng lớn do Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo xét xử trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Cụ thể: 01 vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Phương Nam đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam, 01 vụ vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng phát triển Việt Nam xảy ra ở 6 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và hai tỉnh Đăk Lăc và Đăk Nông, 01 vụ án buôn lậu qua biên giới xảy ra ở cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh… cử luật sư tham gia giải đáp pháp luật trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia rà soát thủ tục hành chính của Chính phủ.
Hoạt động bào chữa trong các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được Đoàn Luật sư và các luật sư xác định là nhiệm vụ chính trị - pháp lý quan trọng hàng đầu của đội ngũ luật sư. Trong những năm qua, Đoàn Luật sư đã phân công các Văn phòng luật sư đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Chất lượng các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu không vì là án "Chỉ định" mà các luật sư coi nhẹ, thiếu trách nhiệm mà các luật sư coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Nhà nước giao cho nên luôn cố gắng vận dụng hết khả năng, trí tuệ của mình để chất lượng bào chữa ngày càng được nâng cao.
Những đóng góp thiết thực cho tổ chức và xã hội ở địa phương
Hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư vẫn tiếp tục được duy trì hàng năm. Công tác này được các luật sư coi trọng và tham gia tích cực, có hiệu quả.
Là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình, Đoàn Luật sư và các luật sư đã tích cực tham gia các hoạt động do UBMTTQ tỉnh phát động, trong đó có các phong trào, các cuộc vận động như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xoá đói giảm nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa", "Chung tay cải cách thủ tục hành chính", “ Lá lành đùm lá rách”... kết hợp tặng quà từ thiện khi đi Trợ giúp pháp lý cho các hộ nghèo, giúp người dân giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Những hoạt động này đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tập hợp đoàn kết các luật sư, tạo không khí phấn khởi và nâng cao trách nhiệm của luật sư đối với cộng đồng.
Ngoài những công việc nói trên, Các Văn phòng luật sư và các luật sư đã thực hiện tư vấn, làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đến hơn 100 lượt các xã, phường trong tỉnh, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hàng nghìn người dân, giúp cho nhiều địa phương giải toả tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp. Qua đó nhiều địa phương, nhiều cán bộ và nhân dân đã có thư từ và trực tiếp yêu cầu luật sư trợ giúp pháp lý. Vai trò quan trọng của luật sư được xã hội thừa nhận.
Đoàn Luật sư đã cử các luật sư tham gia đối thoại trực tiếp và tư vấn pháp luật miễn phí theo yêu cầu của UBND tỉnh Thái Bình các vụ việc như: Vụ phá lò vôi ở Cầu Nghìn, việc bà Đào Thị Ngọ ở Thành phố Thái Bình khiếu kiện nhiều năm, vụ đòi đất Dự án Hoa Hồng ở Hưng Hà, vụ Dự án lò gạch xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, Dự án nuôi bò sữa ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà. UBND huyện Hưng Hà cũng đã yêu cầu Đoàn Luật sư cùng với Ban Giải phóng mặt bằng đường 39A khu vực Thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà cùng tham gia giải thích giúp người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước khi giải phóng mặt bằng đã đạt được kết quả như mong muốn. Đặc biệt, Đoàn đã tư vấn giúp các cá nhân và tập thể đang được hưởng chế độ chính sách người có công hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam của 25 xã thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trong việc giúp họ đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho họ một cách thấu tình đạt lý. Việc làm của Đoàn đã được người dân và các cơ quan của tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Hàng năm, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho các luật sư nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công tác bảo vệ công lý và xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Ngoài ra cò có các lớp học tập chính trị- tư tưởng của luật sư, các buổi toạ đàm để các luật sư có cơ hội thảo luận, trao đổi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, hoạt động giao lưu, hợp tác cũng được Đoàn Luật sư chú trọng. Đoàn đã tổ chức các chuyến tham quan kết hợp bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư để giao lưu, học hỏi với các Đoàn Luật sư tỉnh bạn.
Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong công tác cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh nhà. Các luật sư của Đoàn luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, lấy công lý và sự thật làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của tỉnh.
Ghi nhận những đóng góp của Đoàn Luật sư, Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trao tặng nhiều Bằng khen cho Đoàn Luật sư và và các cá nhân luật sư đã có những đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và cho sự phát triển của luật sư Việt Nam. Đó là động lực để Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình tiếp tục phấn đấu thi đua, mỗi cá nhân luật sư phấn đấu hoàn thiện hơn nữa, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh cao cả để góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đep, dân chủ, văn minh.
Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình đã có những bước tiến vững chắc và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá và số hoá hiện nay. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan liên quan khác, tiếp tục phát triển số lượng luật sư thành viên, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư, cải thiện năng lực chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư, nâng cao vị thế, vai trò của luật sư để đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng cao.
Chặng đường 35 năm của Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình là một hành trình không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, luôn thực hiện tốt chế độ tự quản kết hợp với quản lý nhà nước về nghề luật sư, tập hợp đoàn kết đội ngũ luật sư cùng nhau bảo vệ công lý, bả;o vệ pháp chế, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.